Khi bạn truy cập vào một website hoặc app trên điện thoại, thường có một giao diện đồ họa giúp bạn điều hướng, tương tác để đạt được những mong muốn của bạn. Các nhà thiết kế UI sẽ tạo ra các yếu tố và bố cục này nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho các hành động của bạn.
Vậy UI là gì và nhà thiết kế UI sẽ làm những công việc gì? Hãy cùng khám phá trong bài viết này nhé!
UI là gì?
“UI” viết tắt của từ User Interface có nghĩa là giao diện người dùng. Hiểu đơn giản hơn đây là phần đồ họa của App, Website hoặc các thiết bị mà người dùng tương tác vào đó. Các nhà thiết kế UI sẽ tìm cách làm cho phần bố cục và các yếu tố tương tác trên trở nên trực quan, sinh động và dễ sử dụng hơn.
Tạo một giao diện đẹp mắt và thu hút là điều rất quan trọng, nhưng với UI chỉ có tính thẩm mỹ thôi thì chưa đủ! Cũng như khi bạn sử dụng một ứng dụng, UI của ứng dụng đó phải trực quan, tức là bạn sẽ biết cách thực hiện những gì bạn mong muốn mà không cần thêm bất kỳ lời giải thích nào.
Bạn biết bạn đang ở đâu trong một website hoặc một ứng dụng. Bạn cũng biết rõ điều gì sẽ xảy ra nếu bạn nhấn nhầm nút. Các nhà thiết kế UI sẽ sử dụng các dấu hiệu trực quan để giúp hướng dẫn người dùng thông qua giao diện. Nhờ đó, người dùng có thể tự vận hành và hiểu được giao diện bất kể độ tuổi, giới tính hoặc kiến thức của họ. Như chọn một phông chữ dễ đọc và có thể dịch sang các ngôn ngữ khác nhau hoặc chọn màu sắc mà người dùng mù màu vẫn có thể phân biệt được.
Thiết kế UI và UX: Thiết kế giao diện người dùng (UI) và trải nghiệm người dùng (UX) thường đi đôi với nhau, nhưng hai lĩnh vực này có một số khác biệt quan trọng. Trong khi UX bao gồm trải nghiệm tổng thể mà người dùng có với sản phẩm hoặc dịch vụ, thì UI tập trung vào thiết kế đồ họa và giao diện.
Chúng ta hãy xem xét kỹ hơn những gì các nhà thiết kế UI làm, và điều này khác với các nhà thiết kế UX như thế nào?
Tại sao bạn có thể coi đây là một nghề nghiệp và cách để bạn bắt đầu chúng?
Từ vựng về thiết kế UI
Hãy dành một chút thời gian để đọc về thiết kế UI vì bạn có thể sẽ gặp một số thuật ngữ không quen thuộc. Thế giới của UX (trải nghiệm người dùng) và thiết kế UI (giao diện người dùng) có vốn từ vựng riêng.
Dưới đây là một số thuật ngữ để bạn làm quen:
- User Interface: phương tiện mà người dùng tương tác với một ứng dụng hoặc thiết bị phần cứng
- Typography: phong cách và hình thức trình bày của chữ viết, hay là nghệ thuật sắp xếp, thiết kế, sáng tạo giúp cho chữ cái dễ đọc và trông hấp dẫn.
- Color theory (lý thuyết màu sắc): một loạt các khái niệm và nguyên tắc hướng dẫn cách lựa chọn và sử dụng màu sắc, cách màu sắc kết hợp và tương phản.
- Prototype (mẫu đầu tiên): mẫu hoặc mô phỏng của sản phẩm cuối, được sử dụng để thử nghiệm và thu thập phản hồi.
- Wireframe (cấu trúc khung/sườn): bố cục hiển thị các yếu tố chức năng của giao diện.
- Breadcrumb: cách để hiển thị cho người dùng website biết họ đang ở đâu trong hệ thống phân cấp của website và cách họ đi đến đó.
- Accessibility: khái niệm về việc mọi người có thể sử dụng một dịch vụ, sản phẩm bất kể mọi khả năng, tình huống của họ.
- Affordance: là tính năng của một yếu tố giúp người dùng hiểu được cách để có thể tương tác với yếu tố đó.
Nhiệm vụ của nhà thiết kế UI
Là một nhà thiết kế UI, bạn sẽ được giao nhiệm vụ thiết kế các sản phẩm kỹ thuật số trông như thế nào và cách người dùng sẽ tương tác với sản phẩm đó. Điều này bao gồm một loạt các nhiệm vụ như sau:
- Thiết kế bố cục và giãn cách hợp lý các phần tử trên một trang
- Cải thiện và hiện đại hóa kiểu thiết kế hiện tại
- Đảm bảo thiết kế có thể thích ứng với nhiều loại thiết bị
- Hình dung các yếu tố tương tác như nút, thanh trượt, chuyển đổi, biểu tượng, menu thả xuống và trường văn bản
- Chọn bảng màu, phông chữ và cách sắp xếp chữ
- Tạo hướng dẫn phong cách nhận dạng thương hiệu nhất quán trong toàn công ty
- Tạo wireframes để hiển thị giao diện trông như thế nào với hình ảnh và thương hiệu
- Giao tiếp với các kỹ sư phần mềm (Developer) để đảm bảo các tính năng được triển khai như dự định
- Phân tích tác động của những thay đổi về thiết kế và khả năng sử dụng.
Các kỹ năng cần thiết cho nhà thiết kế UI
Là một nhà thiết kế UI, bạn sẽ đưa sự sáng tạo của mình vào môi trường kỹ thuật số và sử dụng nhiều kỹ thuật để chuyển ý tưởng của bạn lên màn hình. Các nhà thiết kế UI giỏi thường có một bộ kỹ năng rộng.
Cùng xem qua các kỹ năng quan trọng ở các nhà thiết kế UI ngay bên dưới:
- Sự đồng cảm: tạo ra một sản phẩm dễ sử dụng và trực quan khi nhìn mọi thứ từ góc độ của người dùng. Nếu bạn có thể đồng cảm với những người sẽ sử dụng thiết kế của bạn, bạn có thể điều chỉnh các quyết định thiết kế của mình cho phù hợp với nhu cầu của họ.
- Hợp tác: phát triển sản phẩm là nỗ lực của cả nhóm. Bạn có thể sẽ làm việc nhiều với các nhà thiết kế UX và các nhà nghiên cứu người dùng (user researcher) để chuyển đổi các wireframe và cấu trúc thông tin cơ bản của họ thành các mẫu prototype được thiết kế đầy đủ.
Bạn cũng sẽ làm việc với các kỹ sư phần mềm (Dev) để dịch các thiết kế thành mã code. Đôi khi bạn cũng được yêu cầu trình bày thiết kế của mình cho các bên liên quan. - Công cụ thiết kế: các công cụ bạn sử dụng có thể khác nhau tùy thuộc vào công ty bạn làm việc, sản phẩm bạn đang thiết kế hoặc sở thích cá nhân của riêng bạn.
Một số công cụ thiết kế UI phổ biến như: Sketch, Firma, InVision, Balsamiq, Axure và Adobe XD. - Lý thuyết màu sắc: những lựa chọn quan trọng nhất mà bạn sẽ làm với tư cách là nhà thiết kế UI liên quan đến màu sắc và bảng màu. Màu sắc có thể gợi ý về chức năng và hỗ trợ nhận dạng thương hiệu.
- Kiểu chữ (Typography): Hơn 90% thông tin trên internet ở dạng văn bản. Vì vậy kiểu chữ có thể tạo ra sự khác biệt giữa giao diện UI tốt và giao diện UI không tốt.
- Các mẫu thiết kế: mẫu thiết kế giao diện UI đưa ra giải pháp chung cho các vấn đề thiết kế. Việc làm quen với các mẫu phổ biến này sẽ giúp bạn tiết kiệm thời gian và tập trung vào các vấn đề người dùng hơn.
Tại sao bạn nên theo đuổi nghề thiết kế UI?
Nếu bạn là một người đam mê ngành thiết kế hay quan tâm đến việc phát triển sản phẩm và thiết kế website, thì nghề UI hoàn toàn phù hợp với bạn. Thiết kế UI mang đến cho bạn một sự nghiệp kết hợp giữa thực tế và sáng tạo. Làm việc trong lĩnh vực này sẽ cho bạn cơ hội hợp tác để tạo ra giải pháp cho các vấn đề trong thế giới thực.
Mức lương của nghề thiết kế UI:
Cục Thống kê Lao động Hoa Kỳ (The US Bureau of Labor Statistics – BLS) không có danh sách cụ thể cho các nhà thiết kế UI. Họ báo cáo rằng mức lương trung bình hàng năm cho các nhà thiết kế website là 77.260 đô la vào năm 2020. Hơn một nửa số nhà thiết kế UI đã báo cáo kiếm được hơn 86.800 đô la, theo Agency sáng tạo Kỹ thuật số Onward Search năm 2021.
Triển vọng nghề nghiệp trong tương lai:
Tính đến tháng 3 năm 2021, nghề thiết kế UI là một trong 10 công việc có nhu cầu hàng tháng tăng nhanh nhất trên LinkedIn. BLS dự đoán rằng sự tăng trưởng việc làm cho các nhà thiết kế website sẽ tăng với tốc độ nhanh hơn nhiều so với mức trung bình từ năm 2019 đến năm 2029.
Làm thế nào để trở thành một nhà thiết kế UI chuyên nghiệp?
Có nhiều con đường để trở thành một nhà thiết kế UI. Quá trình này có thể khác nhau dựa trên kinh nghiệm, trình độ học vấn và kỹ năng của bạn, cũng như loại hình công ty mà bạn hy vọng sẽ làm việc.
Hãy cùng xem qua một số bước bên dưới để xây dựng kế hoạch tương lai cho bản thân nhé!
Học kỹ năng thiết kế UI
Sự nghiệp thiết kế UI/UX bắt đầu bằng việc có các kỹ năng phù hợp. Kiếm được bằng cấp là một cách để bắt đầu xây dựng bộ kỹ năng của bạn. Một số trường đại học cung cấp các chương trình cấp bằng về tương tác giữa con người với máy tính, thiết kế lấy con người làm trung tâm, thiết kế website, thiết kế đồ họa.
Một lựa chọn khác là tham gia các khóa học hoặc chương trình đào tạo chuyên về thiết kế UI. Tìm kiếm các chương trình cung cấp cho bạn trải nghiệm thực tế với các công cụ UI phổ biến để bạn có thể áp dụng những gì bạn đang học vào thực tế.
Hãy nghĩ xem bạn muốn có vai trò gì trong giao diện người dùng và xây dựng thế mạnh của mình trong lĩnh vực đó.
Bạn có phải là người giỏi về thiết kế đồ họa không?
Bạn có chuyên về tổ chức và cấu trúc, chiến lược, xây dựng thương hiệu, chồng chéo nhiều hơn với UX không?
Hãy phát huy điểm mạnh và củng cố điểm yếu của bạn!
Tích lũy kinh nghiệm
Sau khi học một vài điều cơ bản, hãy cố gắng làm việc thực tế càng sớm càng tốt. Bạn không cần phải đợi cho đến khi được tuyển dụng mới bắt đầu tích lũy kinh nghiệm. Hãy bắt đầu bằng cách thiết kế trang web của riêng bạn hoặc xem liệu có gia đình, bạn bè nào có trang web/ứng dụng có thể sử dụng thiết kế lại hay không? Chú ý đến thiết kế của các trang hoặc ứng dụng bạn sử dụng thường xuyên và nghĩ về cách bạn có thể cải thiện giao diện người dùng tốt hơn nữa. Nếu bạn đang học để lấy bằng cấp, hãy thường xuyên kiểm tra với trường học để biết thêm các cơ hội đi thực tập nhé.
Khi bạn tích lũy kinh nghiệm, việc học các phần mềm phổ biến đối với công việc UI rất hữu ích. Như thông thạo Figma sẽ giúp bạn hình dung ý tưởng của mình và phù hợp với môi trường làm việc thực tế, nhưng điều quan trọng cần nhớ là bất kỳ phần mềm nào bạn đang sử dụng cũng chỉ là một công cụ. Kiến thức chuyên môn mang lại trong cách bạn sử dụng công cụ này thậm chí còn quan trọng hơn. Kỹ năng thiết kế đồ họa, tư duy sáng tạo và trí tưởng tượng sẽ tạo thành xương sống cho toàn bộ kỹ năng của bạn.
Xây dựng Portfolio (danh mục đầu tư) của bạn
Portfolio của bạn là yếu tố quan trọng nhất khi nộp đơn xin việc làm UI. Hơn bất cứ điều gì khác, công việc của bạn sẽ thể hiện cho các nhà tuyển dụng tiềm năng thấy bạn có thể làm được gì. Bạn không nhất thiết phải có trang web của riêng mình để có danh mục đầu tư.
Các nền tảng Portfolio trực tuyến như Dribbble, Behance hoặc Coroflot cung cấp một nơi miễn phí và thuận tiện để giới thiệu các thiết kế của bạn. Khi bạn đã có kinh nghiệm, hãy nhớ cập nhật Portfolio của bạn với những công việc mới nhất và tốt nhất.
Mở rộng mạng lưới của bạn
Bắt đầu xây dựng mối quan hệ với các chuyên gia phát triển dự án khác (như nhà thiết kế UX và nhà phát triển website) bằng cách tham dự các sự kiện trong ngành hoặc tương tác trực tuyến. Bạn sẽ không bao giờ biết mình có thể gặp ai hoặc những cánh cửa cơ hội mà các mối quan hệ đó mở ra cho bạn!
Nguồn:coursera.org