Thiết kế trải nghiệm người dùng là một lĩnh vực rộng lớn, đa ngành và vô cùng hấp dẫn. Nó giúp định hình các sản phẩm, dịch vụ mà chúng ta sử dụng hàng ngày và góp phần tạo nên sự thành công của một doanh nghiệp hoặc thương hiệu.
Nghề thiết kế UX có nhịp độ khá nhanh, đầy thách thức và đòi hỏi ở bạn nhiều kỹ năng linh hoạt. Nếu bạn muốn dấn thân vào lĩnh vực này, sẽ có rất nhiều điều đáng để bạn học hỏi đấy!
Sau đây, chúng tôi sẽ giới thiệu tổng quan về thiết kế UX là gì và cho bạn biết mọi thứ bạn cần để dấn thân vào ngành công nghiệp thú vị này. Bắt đầu nhé!
- Thiết kế trải nghiệm người dùng (UX) là gì?
- Sự khác biệt giữa thiết kế UX và UI
- Lịch sử của thiết kế UX
- Các ngành thiết kế UX: Quadrant Model (mô hình góc phần tư)
- Người thiết kế UX làm gì?
- Giá trị của thiết kế UX
- Làm thế nào để trở thành một nhà thiết kế UX chuyên nghiệp?
- Lời kết
Thiết kế trải nghiệm người dùng (UX) là gì?
Trải nghiệm người dùng (UX) là tất cả các tương tác của người dùng với sản phẩm hoặc dịch vụ. Thiết kế trải nghiệm người dùng xem xét từng yếu tố tạo ra những trải nghiệm này, cách trải nghiệm này khiến người dùng cảm thấy dễ dàng hoàn thành các mong muốn của họ.
Ví dụ như cảm giác của một sản phẩm thực tế trong tay bạn hay sự đơn giản của quy trình thanh toán khi mua hàng trực tuyến. Mục tiêu của thiết kế UX là tạo ra các trải nghiệm dễ chịu, hiệu quả và toàn diện cho người dùng.
Các nhà thiết kế UX kết hợp nghiên cứu thị trường, phát triển sản phẩm, chiến lược và thiết kế để tạo ra một trải nghiệm người dùng liền mạch cho các sản phẩm, dịch vụ và quy trình. Họ xây dựng cầu nối với khách hàng, giúp công ty hiểu rõ hơn nhu cầu và đáp ứng kỳ vọng của khách hàng.
Sự khác biệt giữa thiết kế UX và UI
Khi nói về thiết kế UX, thuật ngữ UI sẽ xuất hiện. Mặc dù UX và UI thường được sử dụng thay thế cho nhau, nhưng đây là 2 thuật ngữ khác nhau.
Thiết kế giao diện người dùng UI không giống như thiết kế UX. UI liên quan đến giao diện thực tế của một sản phẩm, như khi bạn sử dụng các ứng dụng trên điện thoại, các nút bạn nhấp trên website. Thiết kế giao diện người dùng UI quan tâm đến tất cả các yếu tố trực quan và tương tác của giao diện sản phẩm, từ kiểu chữ và màu sắc đến bố cục và các điểm tiếp xúc điều hướng (như các nút và thanh cuộn).
“UX tập trung vào hành trình của người dùng để giải quyết một vấn đề, trong khi UI tập trung vào bề mặt của sản phẩm trông ra sao và hoạt động như thế nào. ” – theo Ken Norton, Đối tác Google Ventures, Giám đốc sản phẩm của Google.
Mặt khác, UX và UI luôn đồng hành cùng nhau, việc thiết kế giao diện sản phẩm có tác động rất lớn đến trải nghiệm người dùng nói chung.
Thiết kế trải nghiệm người dùng UX có mặt ở khắp mọi nơi: từ cách bố trí của siêu thị, công thái học của một chiếc xe, đến khả năng sử dụng của app điện thoại. Trong khi thuật ngữ “trải nghiệm người dùng” lần đầu tiên được đặt bởi Don Norman vào những năm 90, thì khái niệm về UX đã tồn tại từ rất lâu.
Lịch sử của thiết kế UX
Những nguyên lý cơ bản nhất của UX có thể bắt nguồn từ 4000 năm trước Công nguyên đến triết lý Phong thủy cổ đại của Trung Quốc, tập trung vào việc sắp xếp môi trường xung quanh bạn theo cách tối ưu, hài hòa hoặc thân thiện với người dùng nhất. Cũng có bằng chứng cho thấy rằng, ngay từ thế kỷ thứ 5 trước Công nguyên, các nền văn minh Hy Lạp cổ đại đã thiết kế các công cụ và nơi làm việc của họ dựa trên các nguyên tắc công thái học.
Vào cuối thế kỷ 19, các nhà tư tưởng và nhà công nghiệp vĩ đại như Frederick Winslow Taylor và Henry Ford đã bắt đầu tích hợp các nguyên tắc thiết kế trải nghiệm cơ bản vào quy trình sản xuất của họ. Với mong muốn giúp cho sức lao động của con người trở nên hiệu quả hơn, Taylor đã tiến hành nghiên cứu sâu về sự tương tác giữa người lao động và các công cụ của họ, giống như các nhà thiết kế UX ngày nay kiểm tra cách người dùng tương tác với các sản phẩm và dịch vụ.
Một nhân vật quan trọng khác trong lịch sử của UX là kỹ sư công nghiệp Henry Dreyfuss. Trong cuốn sách “Thiết kế cho mọi người” (Designing for People – 1955), Dreyfuss đưa ra mô tả rất chính xác về những gì mà chúng ta gọi là thiết kế UX ngày nay:
“Khi điểm tiếp xúc giữa sản phẩm và con người trở thành điểm ma sát, thì nhà thiết kế đã thất bại. Mặt khác, nếu mọi người trở nên an toàn và thoải mái hơn, háo hức mua hàng hơn — hoặc đơn giản là hạnh phúc hơn — khi họ tiếp xúc với sản phẩm, thì các nhà thiết kế đã thành công.” – theo Henry Dreyfuss, Kỹ sư công nghiệp.
Vào đầu những năm 90, nhà khoa học nhận thức Don Norman đã gia nhập Apple với tư cách là Kiến trúc sư trải nghiệm người dùng của Apple, khiến ông trở thành người đầu tiên có UX trong chức danh công việc của mình. Ông nghĩ ra thuật ngữ “Thiết kế Trải nghiệm người dùng” vì muốn “bao gồm tất cả các khía cạnh trải nghiệm của người đó với hệ thống, bao gồm thiết kế công nghiệp, đồ họa, giao diện, tương tác vật lý và hướng dẫn sử dụng”.
Từ đây, lĩnh vực này mở rộng thành các chuyên ngành riêng biệt. Nếu bạn hỏi “Nhà thiết kế UX là gì”, câu trả lời bạn nhận được sẽ khác nhau tùy thuộc vào ngành học hoặc công ty bạn. Ngày nay, xu hướng ngày càng tăng đối với các công ty cho thuê các vai trò cụ thể, chẳng hạn như nghiên cứu UX (researcher) hoặc thiết kế tương tác (designer), để bao gồm tất cả các khía cạnh khác nhau của trải nghiệm người dùng.
Trong nhiều thế kỷ, con người đã tìm cách tối ưu hóa môi trường xung quanh để mang lại sự thoải mái tối đa cho người dùng. Ngày nay, thuật ngữ thiết kế UX mang nhiều ý nghĩa trong lĩnh vực Digital, thường liên quan đến các app, website, phần mềm, tiện ích và công nghệ, và cũng xuất hiện trong thế giới Non-digital.
Các ngành thiết kế UX: Quadrant Model (mô hình góc phần tư)
UX là một thuật ngữ rộng có thể được chia thành bốn lĩnh vực chính: Chiến lược trải nghiệm (ExS), Thiết kế tương tác (IxD), Nghiên cứu người dùng (UR) và Kiến trúc thông tin (IA).
Chiến lược trải nghiệm (ExS)
Thiết kế UX không chỉ dành cho người dùng cuối, nó cũng mang lại giá trị lớn cho doanh nghiệp cung cấp các sản phẩm, dịch vụ. Chiến lược trải nghiệm là một chiến lược kinh doanh toàn diện, kết hợp cả nhu cầu của khách hàng và nhu cầu của công ty.
Thiết kế tương tác (IxD)
Thiết kế tương tác xem xét cách người dùng tương tác với hệ thống, với tất cả các yếu tố tương tác như nút, chuyển trang và animation. Các nhà thiết kế tương tác tìm cách tạo ra các thiết kế trực quan giúp người dùng hoàn thành các tác vụ và hành động dễ dàng nhất.
Nghiên cứu người dùng (UR)
Thiết kế trải nghiệm người dùng UX bao gồm tất cả các việc xác định vấn đề và thiết kế giải pháp. Điều này đòi hỏi sự nghiên cứu sâu rộng và cập nhật phản hồi từ phía khách hàng hiện tại và những khách hàng tiềm năng.
Trong giai đoạn nghiên cứu, các nhà thiết kế UX sẽ tiến hành các cuộc khảo sát, thực hiện phỏng vấn và kiểm tra khả năng sử dụng, đồng thời tạo ra các nhân vật người dùng (user personas) để hiểu nhu cầu và mục tiêu của người dùng cuối. Họ thu thập cả dữ liệu định tính và định lượng, sử dụng dữ liệu này để đưa ra các giải pháp thiết kế tốt nhất.
Kiến trúc thông tin (IA)
Kiến trúc thông tin là thực hành tổ chức thông tin và nội dung theo cách có ý nghĩa và dễ dàng tiếp cận. Điều này rất quan trọng trong việc giúp người dùng điều hướng theo cách của họ xung quanh sản phẩm. Để xác định IA của bất kỳ sản phẩm nào, kiến trúc sư thông tin phải xem xét mối quan hệ giữa các nhóm nội dung khác nhau. Họ cũng chú ý đến việc sử dụng ngôn ngữ một cách phù hợp và thuyết phục.
Trong bốn lĩnh vực này, còn có một loạt các lĩnh vực phụ khác. Như bạn có thể thấy trong hình sau, thiết kế trải nghiệm người dùng không chỉ có phác thảo và tạo khung sườn. Mà đây là một lĩnh vực đa ngành, dựa trên các yếu tố của khoa học nhận thức và tâm lý học, khoa học máy tính, thiết kế truyền thông, kỹ thuật khả dụng và hơn thế nữa.
Bây giờ chúng ta hãy xem cách mà những ngành này chuyển thành công việc hàng ngày của một nhà thiết kế UX.
Người thiết kế UX làm gì?
“Làm thế nào để giải thích những gì tôi làm trong một bộ phận? Đơn giản mà nói là tôi nhân hóa công nghệ ”. – theo Fred Beecher, Giám đốc UX của The Nerdery.
Các nhà thiết kế UX tìm cách làm cho các sản phẩm, dịch vụ và công nghệ hàng ngày trở nên thân thiện với người dùng và dễ dàng tiếp cận nhất có thể. Họ sử dụng tư duy thiết kế để dung hòa mong muốn của người dùng với tính khả thi về kỹ thuật và khả năng kinh doanh.
Quy trình Tư duy Thiết kế
Sơ đồ sau đây là Quy trình Tư duy Thiết kế được điều chỉnh từ d.school (Đại học Stanford), được chia thành bốn giai đoạn khác nhau: truyền cảm hứng (inspiration), khái niệm hóa (conceptualization), phép lặp (iteration) và trình bày (exposition).
Trong giai đoạn truyền cảm hứng, nhà thiết kế UX tìm cách hiểu và quan sát. Để làm được điều này, họ tiến hành nghiên cứu sâu và phân tích đối thủ cạnh tranh để nắm bắt đầy đủ vấn đề, thách thức mà họ đang đặt ra để giải quyết. Điều này cũng liên quan đến phỏng vấn những người đang, hoặc sẽ sử dụng trực tiếp sản phẩm.
Sau đó, nhà thiết kế sử dụng phản hồi này để xác định mục tiêu, cảm xúc, nỗi đau và hành vi của người dùng. Tất cả thông tin này giúp hình thành user personas. Bước tiếp theo là xem xét những gì personas này đang cố gắng đạt được khi sử dụng một sản phẩm cụ thể và hành trình họ sẽ thực hiện. Người thiết kế xem xét kiến trúc thông tin và sử dụng các kỹ thuật khác nhau, chẳng hạn như phân loại thẻ (card sorting), để vạch ra các luồng người dùng.
Khi các luồng người dùng đã xác định xong và biết được các bước mà người dùng cần thực hiện để hoàn thành các mong muốn của họ. Người thiết kế sẽ tìm các giải pháp cho từng bước này, tạo wireframes và mẫu prototypes về sản phẩm cuối cùng sẽ trông như thế nào.
Với các nguyên mẫu prototypes, nhà thiết kế UX sẽ tiến hành các bài kiểm tra khả năng sử dụng để xem cách người dùng tương tác với sản phẩm. Điều này cho biết liệu người dùng có thể hoàn thành các tác vụ mong muốn của họ hay không hoặc có cần thực hiện các thay đổi không.
Các nhà thiết kế UX không chỉ đưa ra giải pháp cho các vấn đề của người dùng, mà họ còn trình bày ý tưởng và thiết kế của mình cho các bên liên quan, đây là một phần công việc hàng ngày của họ.
Quy mô công ty sẽ xác định phạm vi hoạt động của một nhà thiết kế UX. Đây chỉ là cái nhìn tổng thể về quy trình thiết kế UX. Trên thực tế, các nhiệm vụ sẽ khác nhau tùy thuộc vào quy mô và nhu cầu cụ thể của công ty. Các công ty lớn hơn có thể tuyển dụng một nhóm các nhà thiết kế, với mỗi nhóm tập trung vào một khía cạnh cụ thể của quá trình như nghiên cứu hoặc thiết kế trực quan. Trong các công ty nhỏ hơn hoặc các công ty khởi nghiệp, không có gì lạ khi một nhà thiết kế UX đội nhiều chiếc mũ khác nhau và đảm nhận toàn bộ nhiệm vụ.
Các câu hỏi mà nhà thiết kế UX tự đặt ra
Bất kể họ đang thiết kế sản phẩm, dịch vụ nào hoặc họ đang ở giai đoạn nào của quy trình, thì các nhà thiết kế UX sẽ luôn tự hỏi mình những câu hỏi sau:
- Sản phẩm có thể sử dụng được không? Nó có logic, dễ hiểu và dễ sử dụng không?
- Sản phẩm, dịch vụ có giải quyết được vấn đề hiện tại của người dùng không?
- Các loại người dùng khác nhau có thể tiếp cận được không?
- Sản phẩm, dịch vụ có được như kỳ vọng không? Nó có tạo ra trải nghiệm tích cực để người dùng vui vẻ khi lặp lại không?
Người thiết kế UX sử dụng những công cụ nào?
Các nhà thiết kế UX sử dụng một số công cụ khác nhau trong công việc của mình. Ở giai đoạn nghiên cứu và truyền cảm hứng, họ sẽ sử dụng các công cụ khảo sát và thăm dò ý kiến như phần mềm trò chuyện video để phỏng vấn người dùng và thu thập càng nhiều thông tin càng tốt.
Ngoài ra còn có các chương trình để tạo wireframe, tạo mẫu prototype và kiểm tra khả năng sử dụng, với Balsamiq, InVision và UsabilityHub là một trong những chương trình phổ biến nhất trong ngành.
Ngoài các chương trình dành riêng cho thiết kế, người thiết kế cũng sử dụng các công cụ giao tiếp và quản lý dự án để theo dõi công việc mọi lúc.
Các nhà thiết kế UX làm việc trên những loại dự án nào?
Khi ngành công nghệ phát triển, lĩnh vực thiết kế UX càng trở nên đa dạng. Các nhà thiết kế UX có thể làm việc trên một loạt các dự án trong các bối cảnh khác nhau. Sau đây là một số ứng dụng cho thiết kế UX.
Thiết kế website, app và phần mềm
Trong thời đại của internet và smartphone, khả năng sử dụng của một website, mobile app hoặc phần mềm sẽ quyết định phần lớn đến sự thành công trên thị trường. Cùng với các nhà thiết kế giao diện người dùng UI, các nhà thiết kế UX chịu trách nhiệm đảm bảo trải nghiệm trực tuyến mượt mà cho người dùng.
Từ các trang web thương mại điện tử đến ứng dụng hẹn hò, từ phần mềm CRM đến ứng dụng email, mỗi hành trình trực tuyến mà bạn thực hiện đều được thiết kế cẩn thận bởi một chuyên gia UX.
Thiết kế giọng nói
Giao diện người dùng bằng giọng nói đang cách mạng hóa cách chúng ta tương tác với công nghệ. Ở Hoa Kỳ, khoảng 50% người lớn sử dụng tìm kiếm bằng giọng nói hàng ngày và ComScore đã ước tính rằng, vào đầu những năm 2020, 50% tổng số tìm kiếm sẽ dựa trên giọng nói.
Các nhà thiết kế UX có vai trò lớn trong việc phát triển giọng nói, vì các sản phẩm như Amazon Alexa chỉ thành công nếu chúng thân thiện và dễ dàng tiếp cận với người dùng. Thiết kế cho giọng nói có cách tiếp cận khác so với cách tiếp cận của các website và app.
Thực tế ảo (Virtual reality) và thực tế ảo tăng cường (Augmented Reality)
Với thị trường thực tế ảo toàn cầu dự kiến trị giá khoảng 44,7 tỷ USD vào năm 2024, các nhà thiết kế UX sẽ ngày càng được yêu cầu thiết kế trải nghiệm phong phú hơn. Kể từ khi cơn sốt Pokemon Go thành công, thực tế ảo tăng cường (AR) đang dần trở thành xu hướng. Hơn nữa, các nhà thiết kế UX sẽ phải điều chỉnh cách tiếp cận của họ để đảm bảo các công nghệ mới nhất có thể đến được với người dùng.
Thiết kế dịch vụ
Thiết kế UX không chỉ áp dụng cho các đối tượng hữu hình và sản phẩm kỹ thuật số, mà các trải nghiệm vô hình cũng cần được thiết kế UX. Đây là lúc thiết kế dịch vụ ra đời.
Theo Wikipedia: “Thiết kế dịch vụ là hoạt động lập kế hoạch và tổ chức con người, cơ sở hạ tầng, thông tin liên lạc và các thành phần vật chất của dịch vụ nhằm cải thiện chất lượng dịch vụ và sự tương tác giữa nhà cung cấp dịch vụ và các khách hàng của mình. Thiết kế dịch vụ có thể hoạt động như cách thông báo những thay đổi đối với một dịch vụ hiện có hoặc tạo ra một dịch vụ mới hoàn toàn. ”
Bất cứ khi nào bạn mua cà phê, ở trong khách sạn hoặc sử dụng phương tiện giao thông công cộng, trải nghiệm của bạn là kết quả của thiết kế dịch vụ và phương pháp thiết kế dịch vụ, giống với phương pháp thiết kế UX cổ điển.
Giá trị của thiết kế UX
Nhiều lầm tưởng và quan niệm sai lầm cho rằng thiết kế UX “chỉ là một mốt nhất thời”. Trên thực tế, giá trị của thiết kế UX là vô cùng lớn, không chỉ cho người dùng cuối mà còn cho cả doanh nghiệp và thương hiệu.
Từ góc độ người dùng, một thiết kế UX tốt cho phép chúng ta tiếp cận cuộc sống hàng ngày của mình một cách dễ dàng nhất có thể. Từ đặt báo thức đến trò chuyện với bạn bè trực tuyến, nghe nhạc hoặc sử dụng ứng dụng lịch, việc chúng ta hoàn thành các thao tác này dễ dàng là kết quả của một thiết kế UX tốt.
Khi thiết kế những trải nghiệm này, các nhà thiết kế UX phải xem xét cách chúng có thể mang lại giá trị cho tất cả các loại người dùng. Họ làm điều này bằng cách thực hành các thiết kế phổ quát (Universal design) và thiết kế tiếp cận (Accessible design)
Thiết kế phổ quát (UD)
Theo diễn giả truyền động lực Molly Burke giải thích, thiết kế phổ quát là phương pháp “thiết kế và xây dựng mọi thứ để mọi người có thể truy cập, tận hưởng và hiểu ở mức độ tối đa, bất kể quy mô, độ tuổi, khả năng, hoặc khả năng nhận thức của họ. ”
Thiết kế phổ quát tuân theo bảy nguyên tắc chính:
- Tính công bằng trong sử dụng: thiết kế hữu ích cho những người có khả năng đa dạng.
- Tính linh hoạt trong sử dụng: thiết kế phù hợp với nhiều sở thích và khả năng của từng cá nhân.
- Đơn giản và trực quan: sử dụng thiết kế dễ hiểu, bất kể kinh nghiệm, kiến thức, kỹ năng ngôn ngữ hoặc mức độ tập trung hiện tại của người dùng.
- Thông tin cảm nhận: thiết kế truyền đạt thông tin cần thiết một cách hiệu quả cho người dùng, bất kể điều kiện môi trường xung quanh hoặc khả năng cảm nhận của người dùng.
- Lỗi tối thiểu: thiết kế giảm thiểu các mối nguy hiểm và hậu quả bất lợi của các hành động tình cờ hoặc ngoài ý muốn.
- Nỗ lực thể chất thấp: thiết kế có thể được sử dụng hiệu quả, thoải mái và ít mệt mỏi.
- Kích thước và không gian để tiếp cận, sử dụng: cung cấp kích thước và không gian thích hợp để tiếp cận, thao tác và sử dụng bất kể kích thước cơ thể, tư thế hoặc tính di động của người dùng.
Thiết kế tốt giúp kinh doanh hiệu quả
Từ quan điểm kinh doanh, thiết kế trải nghiệm người dùng là chìa khóa đảm bảo sự hài lòng của khách hàng và xây dựng lòng trung thành với thương hiệu. Chỉ khi sản phẩm hoặc dịch vụ không gây rắc rối và mang lại thú vị thì người dùng mới muốn quay lại.
“Good design is good business” – Thomas Watson Jr., Giám đốc điều hành, IBM
Lợi thế cạnh tranh của các công ty định hướng thiết kế
Theo một nghiên cứu được thực hiện bởi Viện Quản lý Thiết kế, các công ty hoạt động trong lĩnh vực thiết kế luôn vượt trội hơn 219% so với S&P 500 trong khoảng thời gian 10 năm. Hơn nữa, một nghiên cứu Adobe cho thấy rằng tư duy thiết kế trong kinh doanh tạo ra lợi thế cạnh tranh có thể đo lường được. Các công ty dẫn đầu về thiết kế báo cáo thị phần cao hơn 41%, khách hàng trung thành nhiều hơn 50% và lợi thế cạnh tranh tổng thể là 46%.
Thiết kế phổ biến, thân thiện với người dùng có lợi cho tất cả mọi người và các nhà thiết kế UX đang thực sự định hình thế giới xung quanh chúng ta.
Làm thế nào để trở thành một nhà thiết kế UX chuyên nghiệp?
Như chúng ta đã thấy, thiết kế UX là một lĩnh vực vô cùng đa dạng. Làm việc trong UX đòi hỏi kỹ năng linh hoạt cùng với niềm đam mê thiết kế lấy người dùng làm trung tâm. Sự nghiệp UX rất rộng mở, đầy thách thức và mang nhiều lợi ích về mặt tài chính; Theo Glassdoor, mức lương trung bình cho một Nhà thiết kế trải nghiệm người dùng ở Hoa Kỳ là $97.460.
Không có nền tảng cụ thể hoặc con đường tiêu chuẩn dẫn đến sự nghiệp thành công trong UX. Tuy nhiên, những nhà thiết kế UX giỏi thường có chung một số phẩm chất sau:
- Khả năng suy nghĩ sáng tạo và phân tích
- Sự đồng cảm và tư duy ưu tiên người dùng
- Quan tâm đến công nghệ và cách con người tương tác với nó
- Kỹ năng giải quyết vấn đề
- Điểm mạnh về kỹ năng giao tiếp và hợp tác
Kỹ năng thiết kế UX nào là quan trọng nhất?
Các nhà thiết kế UX đến từ mọi tầng lớp xã hội và bạn không nhất thiết phải có bằng đại học để tham gia vào lĩnh vực này. Các nhà tuyển dụng có xu hướng tìm kiếm những người có sự kết hợp giữa kỹ năng thiết kế, nhạy bén trong kinh doanh và kỹ năng mềm. Một số yêu cầu bạn thường thấy trong mô tả công việc của nhà thiết kế UX bao gồm:
- Thành thạo trong việc tạo câu chuyện người dùng, personas, sitemap, wireframe, prototypes và storyboards
- Khả năng lập kế hoạch và tiến hành thử nghiệm người dùng, khảo sát và đánh giá
- Khả năng làm việc dựa trên dữ liệu thử nghiệm và phản hồi định tính của người dùng
- Hiểu biết về các nguyên tắc thiết kế tương tác và kiến trúc thông tin
- Có khả năng chuyển các mục tiêu, và dữ liệu thành trải nghiệm kỹ thuật số
- Hiểu biết về các chỉ số kinh doanh và cách thiết kế của bạn đóng góp vào hiệu suất
- Kỹ năng giao tiếp và thuyết trình, khả năng trình bày và thảo luận về các quyết định thiết kế của bạn với khách hàng và các bên liên quan
- Tính linh hoạt và khả năng thích ứng trong công việc
Nhiều người chuyển sang thiết kế UX sau khi có kinh nghiệm trong lĩnh vực khác như tâm lý học, khoa học máy tính, tiếp thị hoặc dịch vụ khách hàng.
Lời kết
Bây giờ bạn đã biết nhà thiết kế UX là gì, nguồn gốc và lịch sử của lĩnh vực này, v.v., bạn có thể muốn bắt đầu hành trình của mình càng sớm càng tốt!
Để bắt đầu thiết kế UX, điều quan trọng là phải đọc và nghiên cứu nhiều, để biết quy trình làm việc của UX, tự làm quen với các công cụ trong ngành và xây dựng một portfolio vững chắc. Cách hiệu quả nhất để chuẩn bị cho sự nghiệp trong UX là tham gia một khóa học có cấu trúc và làm việc với các dự án thực tế.
Nguồn:careerfoundry.com